Văn hóa gia đình

Đầm ấm bữa cơm gia đình

23:21 kstourist.com 0 Comments

Trong những bữa ăn, khi giỗ chạp, Tết nhất cần sự long trọng, bày biện cầu kỳ đã đành, nhưng ngay cả trong bữa ăn thường ngày giữa những người thân trong gia đình với nhau cũng không nên tuỳ tiện, cẩu thả.


Hơn mười năm xa quê, xa luỹ tre yên lành tỏa bóng, xa đồng lúa xanh rì chạy dài tít tắp theo chân mây và xa cả những bữa cơm gia đình đầm ấm, ngọt lành. Đôi khi trong cuộc sống xô bồ, vội vã, sau một ngày làm việc mệt nhoài lại thèm một bữa cơm gia đình có ông bà, cha mẹ, anh chị em quay quần đông vui. Và mỗi khi như vậy, tôi lại tìm cho mình một góc khuất của quán café thật yên tĩnh để nhấm nháp về một thời thơ ấu đã xa.


...Khi mâm cơm dọn ra, người nhỏ tuổi nhất phải mời từng người ngồi vào bàn ăn. Cái vòng tay cúi đầu phải đi đôi với lời mời lễ phép. Khi vào mâm, trước khi cầm đũa ăn, mọi người đều mời nhau, phải mời từ người cao tuổi nhất rồi lần lượt trở xuống. Và khi ăn, ai bỏ đũa trước phải nói lời xin phép với người lớn hơn và ngồi nán lại chờ cả gia đình xong bữa mới được đứng dậy.


Trong mâm cơm, người mẹ hay con gái, con dâu bao giờ cũng ngồi đầu nồi, ăn từ tốn, liên tục tiếp thức ăn cho cha mẹ, chồng con, mau mắn xới cơm cho ai vừa hết bát. Người mẹ bao giờ cũng ý tứ, ăn chậm rãi, khi xới cơm không để bát va vào niêu cơm. Ngược lại, con cái dù bát hết cơm thấy mẹ đang gắp thức ăn thì không vội đưa bát làm cho người ngồi đầu nồi phải vội vàng, khó xử.

Trong mỗi bữa ăn của gia đình, không bao giờ thiếu chén nước mắm. Chén nước mắm đặt giữa mâm, thuận tiện cho tất cả mọi người. Và vì là dùng chung nên khi chấm ai cũng phải chú ý cẩn thận, không làm vương vãi thức ăn vào chén mắm. Nghệ thuật thưởng thức các món ăn phần lớn phụ thuộc vào nghệ thuật pha nước chấm. Nước chấm thêm tí chua của chanh, tí cay của ớt hay hạt tiêu, thêm vị nồng của tỏi, vị ngọt của đường hay bọt ngọt.

Không sơn hào hải vị, không mâm cao cỗ đầy. Bữa ăn hằng ngày với món rau là chủ đạo nhưng bằng sự khéo léo, người nội trợ đã biến những thứ rau thông thường thành những món ăn ngon lành, đẹp mắt: đĩa rau muống luộc xanh rờn kèm theo tô nước xanh vắt thêm tí chanh làm xao lòng bao người xa xứ khi chợt nhớ về, đĩa rau bí xào tỏi có màu xanh của rau lẫn với những tép tỏi trắng toả hương vị dân dã đồng quê, nồi canh cá diếc nhất thiết phải có vị rau răm nồng nàn quyến rũ.

Và món canh rau tạp tàng, nơi hội tụ của tất cả những vị thanh tao của các loại rau vươn lên từ đất mẹ, nơi có vị ngọt của rau bồ ngót, vị đắng của rau cải, vị thanh của rau dền cơm, vị chua của rau sam đất cùng hoà trong màu vàng ươm của nước chắt lọc từ gạch của loài cua đồng. Bữa ăn của người dân quê không quá béo, quá cay, không ngọt, nhiều rau, ít thịt, thật khoa học mà vẫn ngon miệng.


Nét độc đáo và tinh tế của bữa ăn trong mỗi gia đình là ăn bằng đũa chứ không phải bằng dao bằng thìa. Trước khi ăn, đũa phải được so thật ngay thẳng, bằng đầu bằng đuôi.

Trong bữa ăn, đôi đũa phải đảm đương bao nhiêu là việc, gắp, xé thức ăn, và cơm, nối cánh tay cho dài để lấy thức ăn ở xa. Nhưng dùng đũa cũng phải lắm ý tứ: không chống đũa lên bát cơm, không gõ đũa vào thành bát, không vừa chan canh vừa cầm đũa, không dùng đũa thò vào tô canh mà phải dùng thìa chung để múc vào bát riêng. Khi xong bữa, phải để đôi đũa ngang qua miệng bát thật ngay ngắn.


Kết thúc bữa ăn, con cháu phải dùng hai tay, cẩn trọng đưa cả lọ tăm để ông bà, cha mẹ tự rút một chiếc. Người xỉa răng, một tay cầm tăm, một tay che miệng thật kín đáo, nhẹ nhàng. Và tách trà con cháu dâng lên mời ông bà phải sóng sánh vàng, vừa miệng ly, không quá đầy cũng không quá vơi. Sau bữa ăn ngon miệng, chiêu một ngụm trà, ông hít một hơi thuốc lào, bà móm mém nhai trầu, ba mẹ nhón một thứ trái cây bày sẵn trên đĩa, chao ôi không có không khí nào tuyệt vời hơn thế.

Dù đi đâu về đâu, người ta cũng hướng về gia đình, nơi đó mỗi sớm mỗi chiều đều có mâm cơm nghi ngút bốc khói, thơm nồng mùi vị quê hương. Và tôi thèm lắm được một lần trở về nơi quê xa để được ăn bát canh rau của mẹ, để được ôn lại cái cuối đầu lễ phép mời ông bà xơi cơm.


Tuần Vietnam

You Might Also Like

0 nhận xét: