Hai má … của nhau

Hai má … của nhau

00:01 kstourist.com 0 Comments

Không phải má cho uyên ương “thơm ” nhau mỗi lần gặp gỡ mà má đây là để ăn, để thưởng thức một món ăn độc đáo, hương vị không kém phần quyễn rũ, đó là: cá bạc má và rau má.
Cứ mỗi bận chuyển gió mùa bà tôi lại nhìn ra cửa biển với câu: “nhờ trời, lại đánh được cá bạc má. Sáng mai bà ra chợ mua bạc má cho cháu ăn rồi hãy về tỉnh”.
Quê bố tôi ở sát biển, làng diêm và làng cá. Cả đời người chạt muối trắng lưng, oằn lưng kéo cá, bán mạng mình cho cá trong những chuyến ra khơi. Khối người chết trong những mùa giông bão.
Lại gió mùa…
Ở lâu thấm vào da cái gió mùa của biển. Mặn của se se muối, tanh tao, rời rợi của cá sống. Bạc má bơi từng đàn lớn, lấp lánh như chào đón vệt làng quê xanh rì bên sóng vỗ đại dương.
Bạc má thân thuôn dài, hơi dẹt, vây đuôi thanh mảnh, có hai đến ba gờ da mỗi bên. Cả một đàn bơi vun vút như tên bắn thời trung cổ mỗi khi sóng triều xô lên bờ. Nó ăn vật nổi. Giáp xác và cá con là mồi yêu thích.
Rau má là biểu tượng bất diệt của miền Trung. Gọi là Trung kỳ cũng được, theo nghĩa bóng, vì đó là lá cờ của thiên nhiên miền khắc nghiệt vinh dự dâng tặng cho lam lũ và nghèo khó của con người. Rau má những năm chiến tranh và thời bao cấp đã trở thành thực phẩm chính bên leo lét của tội nghiệp đèn dầu.
Bây giờ rau má mới trở nên sang trọng. Nó đang lên ngôi trong ê chề cá, thịt, bệnh gout, tiểu đường và vô vàn bệnh tình khó chữa.
Rau má có bút danh như bút danh nữ sĩ: Tích Tuyết Thảo. Nó cứ lan, cứ non tơ trên bờ ruộng, trên đá, trên cát, trên tà vẹt đường tàu. Nó lan theo gió để cứu vãn con người ở xứ sở này.
Chẳng thế mà nó đã kéo dài tuổi thọ của võ sư môn Thái Cực Quyền, pháp danh Lý Thanh Vân tận Trung Hoa lên tới 256 tuổi. Nó làm cường lực cho một ông vua hiệu Aruna ở mãi Srilanca để đủ sức chiều chuộng gối chăn cho 50 tì thiếp suốt ngày đêm. Rau má bình dân là thế, cao siêu là thế, thần dược là thế.
Trên cái mẹt của bà tôi trở về từ chợ sáng hôm sau đã có bốn bạc má xếp hàng, tươi lấp lóe như bốn lưỡi dao. Bốn con bạc má nguây nguẩy, xanh len lét, chưa nấu đã muốn ăn. Chà, bà nói đúng thật. Chiều qua mới heo heo da, sáng nay đã bạc má. Bà là của biển từ thuở cắp nón theo ông từ cửa biển Hải Phòng đến cửa biển nơi này nên bà suốt đời là biển.
Cá bạc má không đánh vẩy, ướp chút nước mắm, ba quả ớt đỏ, tiêu bắc chút thôi. Nồi đất và lửa rơm là bè bạn của nhau. Tôn vinh nhau là lửa và đất. Đó là tình nghĩa của những kẻ quê mùa. Nồi đất để cho bạc má và lửa rơm đã công kênh bạc má tỏa một hương vị không có cá nào bì được.
Đun cá bạc má là phải để lại một chút nước chấm rau má. Bà gắp ba con  ra mặt đĩa sành. Thẳng đuỗn, thơm phức. Bánh tráng của vùng biển  cong veo, nổi u, bùi và  thơm ngậy. Ở miền Bắc người ta vẫn đồn bánh đa chợ Kế, bánh quế Hải Dương nhưng bánh tráng của miền Trung cũng khó nơi nào bì kịp. Thế mới thấy những vùng khắc nghiệt sao lại sinh ra lắm anh hùng thế. Anh hùng cũng là sản nhân danh giá của một thời.
Cuộn cả rễ cả thân cả lá của rau má với nhau mới thấy thương cho lóp ngóp bão lụt của miền Trung đùm bọc. Chấm rau má với nước  cá kho bạc má mới thấy mặn mòi một tình yêu biển không dễ gì pha loãng. Xéo một miếng nục nạc bạc má, gói vào rau má, kẹp vào hai miếng bánh tráng là nhà quê, là quê hương có đủ vị trong hồn.
Hôm nay tự tay chế biến món bạc má- rau má như chế lại một hoài niệm mà vẫn biết hoài niệm không thể nào chế lại. Bà đã yên nghỉ ngàn thu dưới những chùm rau má xanh non. Tóc mình đã trắng. Chỉ tình yêu bà là không bao giờ bạc cả…
Cả lũ bạn được nhậu một giấc say bạc má – rau má và giơ xương chềnh ềnh nằm ngủ không khác gì những con bạc má khi tàn tiệc. Gió của ngày tàn đông hiu hiu thổi. Trong mơ thấy một vùng cửa biển, cát và muối trắng như nhau. Thấy một ngôi nhà xiêu vẹo đang chống đỡ với gió và với cát. Thấy bạc má đang giương vây lao vun vút theo hướng thủy triều…

You Might Also Like

0 nhận xét: