Đi Lào ăn phở

Đi Lào ăn phở

23:35 kstourist.com 0 Comments

Năm 1986, nhà báo Nguyễn Trung Dân sang công tác Lào đã nghe và may mắn được thưởng thức phở Lào.
Cuối năm 2009, nhà báo Mai Linh lại cũng nhân Seagame mà được Lào đãi phở.
Phở Lào ngon và đang “sánh vai” phở Việt, “cốt cách” lại có phần hơn phở Việt (Hà Nội) bây giờ.
Thế mới có phở Lào năm 1986 qua cảm nhận của Nguyễn Trung Dân và năm 2009 qua cảm nhận của Mai Linh. 
I. Phở Lào năm 1986
Năm 1986, đi Lào là đã đi ra nước ngoài. Nó không khác gì chuyện đi Nga hay các nước Đông Âu - nói gì đến các nước tư bản- Điều đó có nghĩa là với bao nhiêu khê khó khăn, với đủ thứ quyết định, và cũng chầu chực năm lần, bảy lượt để lấy được cái Visa của sứ quán Lào. Là nước ta vào lúc ấy nó thế. Dù rằng với anh bạn láng giềng thân thiết tựa lưng vào nhau trong chiến đấu, chỉ một bước chân là đã sang vườn nhà bạn, vậy mà để bước ra được khỏi đất nước mong kiếm thêm "sàng khôn" nào cũng là cơ may hiếm thấy. Có lẽ cái tư duy sót lại trong chiến tranh, khi mọi người đang dồn hết xương máu cho chiến trường thì đi ra khỏi nước mang cái mặc cảm né  tránh, có lỗi. Dù chiến tranh qua đã lâu, con người vẫn còn đó nên việc đi nước ngoài - dù là nước Lào - để đi làm ăn tìm hiểu thị trường, vẫn cứ là ân sủng nên cũng cần có chút khó khăn. Hơn nữa kẻ địch ở đâu, lúc nào mà chả có. Vậy cứ nên khó cho an toàn, để có sự xin cho như thuộc tính của thời bao cấp. Và vậy là tôi làm chuyến xuất ngoại sang Lào theo đoàn của TNXP Đà Nẵng cử đi theo chương trình của Trung ương Đoàn.
Chính những háo hức của cả đoàn lần đầu ra nước ngoài đã khiến chúng tôi 8 người quyết định ngủ lại một đêm ở Đông Hà để sáng sớm mai lên đường 9 qua cửa khẩu Lao Bảo để vào Lào.Nam, một thành viên trong đoàn có vẻ thông thạo hơn mọi người (nghe đâu đã từng làm phụ lái xe trên tuyến đường này được phân công làm hướng dẫn  cho đoàn) đã dặn trước mọi người: "sáng mai lên đường sớm, không ăn sáng để qua Lào ăn Phở". Ai nghe cũng có lý vì phở nhà ăn mãi, chắc phở Lào phải có gì đặc biệt hơn. Người "hướng dẫn đường lối" nói chắc nịch: "phở Lào ngon vì bò Lào nuôi để thịt chứ không kéo cày".
Vậy là tinh mơ hôm sau, đường 9 xe ta cứ "bon bon trên dăm đường dài" với cái bụng rỗng không chờ thưởng thức món phở Lào. Đường 9 ngày ấy còn lại nền đường của bọn đế quốc làm dã chiến để phục vụ chiến tranh, mười mấy năm không tu bổ gì mà sao vẫn tốt thế. Chả bù cho cái sự hiện đại đầy tốn kém của chúng ta ngày nay mà tuổi thọ các con đường không dài bằng thời gian làm đường. Mọi người trên xe đều vững tin chẳng mấy chốc có thể "sì sụp" bên tô phở Lào. Đường rộng có lẽ do lúc ấy chưa thịnh việc buôn bán qua cửa khẩu, và buôn lậu nếu có thì vẫn còn thô sơ lắm, ở "quy mô nhỏ". Nhờ vậy, đoàn chúng tôi đến được cửa khẩu khá sớm, chỉ sau hơn  3 giờ dông dài trên đường. Và nhanh chóng thôi mọi thủ tục qua cả hai cửa khẩu của ta và bạn Lào không quá 20 phút. Có lẽ lúc ấy cũng chẳng ai trong đoàn mang theo thứ gì có thể mua bán và các anh Hải quan, Công an Biên phòng trông vẫn lành mạnh lắm. Người qua lại đều có vẻ thân tình lắm chứ không như bây giờ, mỗi lúc ngang qua cửa khẩu đều thấy tim hụt nhịp đập trước cái nhìn dấu hỏi của viên chức. Vào lúc ấy, cửa khẩu Lao Bảo đã thấy xuất hiện vài thứ hàng hóa Thái Lan (thứ thiệt chứ không phải loại hàng dởm Trung Quốc giả hiệu Thái ngày nay đầy rẫy ở chợ Đông Hà) như xà phòng thơm, son môi, đồ lót nữ (hiệu em bé bắn cung  - thần Cuppidon-)... Cũng chưa có nhiều người qua lại mua bán lắm, anh em trong đoàn đều định bụng sẽ mua chút ít trong chuyến về làm quà. Bắt đầu đến Lào rồi mà cũng chưa thấy quán phở ở đâu. Kiến bò bụng, bao tử làm reo rồi chắc phở lào phải ngon thôi. Bây giờ ăn mầm đá của Trạng Quỳnh cũng phải thấy ngon. Thức dậy từ 4-5 giờ mà  lúc này đã hơn 10g30 vẫn chưa thấy tăm hơi phở. Người hướng dẫn lại động viên: "yên tâm qua xong cửa khẩu là hàng loạt quán phở Lào". Thì chờ, biết còn cách nào hơn ?
Đến Lào. Từ những bước chân đầu tiên qua khỏi biên giới Viêt Nam, tôi đã có tâm trạng lạ lùng, nó pha lẫn chút "chuyện đường rừng" của Thế Lữ, một ít máu phiêu lưu tìm vàng nơi rừng thiêng nước độc của cụ Vĩnh, một phần nỗi ngậm ngùi vượt qua những địa danh Khe Sanh, Lao Bảo, Sê-pôn (Tchépol) như còn mang mang dấu chết chóc, mất mát của cuộc chiến tranh vừa qua. Ngày ấy qua khỏi Lao Bảo là con đường nối vào không khác gì đường 9 chạy dài đến  Savannakhet. Cũng còn tốt như nhau, có lẽ  đồng một tác giả. Vậy mà chỉ hai năm sau, khi trở lại, con đường đã bị băm nát lỗ chỗ ổ gà ổ voi. Hậu quả của sự tàn phá rừng để mang gỗ về xuôi, ra Cảng xuất đến tận đâu đâu. Chỉ có con người còn  lại hứng chịu bao thiên tai mà trong cơn say làm giàu bất kể thiên nhiên. Ngày ấy đã thấy từng bãi gỗ, từng đoàn xe nối nhau suốt dọc con đường 9, qua đến nhưng cánh rừng đồng bằng của Lào để rồi kìn kìn xuôi về Cảng đem lại đô la vào bị nào, để lại xơ xác cho rừng và đất nước lúc ấy nghèo lại càng nghèo. Chẳng biết phải trách ai, đành đổ tội cho sự ấu trĩ, nóng vội... hay hậu quả của chiến tranh mà ai cũng biết là không phải là nguyên nhân chính. Chắc rồi có lúc phải rút ra bài học cho con cháu mai sau biết thời cha, anh làm kinh tế sau sự tích anh hùng kia. Để mà tránh, để mà quý mà đau từng ngọn cỏ, rừng cây, tấc đất của quê hương.
Đã sâu vào nước Lào hơn trăm cây số mà sao phở Lào đâu chẳng thấy. Chỉ thấy dọc con đường những làng mạc mới hồi sinh. Người Lào lúc ấy đã hồn nhiên tiêu dùng hầu hết hàng hóa Thái Lan cho nhu cầu sống, làm việc. Họ đơn giản không nhìn thấy cái khác biệt gì của sản phẩm làm ra từ tư bản hay xã hội chủ nghĩa trong khi ở ta lúc ấy vẫn cứ phải phân tích cho ra cái sự thâm độc của chủ nghĩa tư bản để phải chống không dùng hàng hóa của chúng nó, để xây dựng công nghiệp nặng như ông anh Liên Xô đã làm mà quên mất nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của nhân dân. Chuyện có kể rằng nhờ chúng ta thức tỉnh muộn mà nhiều nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng của Thái tưởng đã sụp tiệm lại sống mạnh, sống khỏe như hãng xe Honda Dream, lốp ô tô Tungkeng, kem đánh răng, xà phòng, đồ lót phụ nữ... Về mặt này sản xuất của ta xứng đáng được huân chương hữu nghị của nước Thái trao tặng về sự biết nhường bạn.
Gần 3 giờ chiều mới đến Sê-pôn. Quá đói. Cả đoàn trút hết giận dữ lên đầu Nam vì suốt từ cửa khẩu đến tận đây không một hàng quán, không ai bán buôn gì khả dĩ ăn được. Đúng là "sẩy nhà ra thất nghiệp", tin và chờ ăn phở Lào nên ai nấy đói meo, đói mốc đến hơn 12 giờ đồng hồ vẫn chưa có gì bỏ bụng.  Đến lúc này "người hướng dẫn" mới khai thật là chưa đi đường này lần nào, chỉ nghe họ nói phở Lào ngon nên cũng nói lại vậy. Nam nghĩ rằng hễ đến Lào là nơi nào không có hàng quán, như cách "tự cứu mình" ở bên ta mà nhà nhà trổ cửa, phố phố kinh doanh, cứ có mặt tiền là có mua mua, bán bán, rủi may không có phở thì có thứ khác. Dè đâu cái làm nên nước Lào  khác nước ta là không ai muốn bám mặt đường (đó là vào lúc ấy) mà ở thụt sâu vào trong rừng. Cho hay cái mới chỉ là tư duy (mà lại trật) chưa phải là vật chất hình thành, nên không có cái bỏ bụng cho cả đoàn. Ông Mác đúng là thánh thật.
Hơn 4 giờ chiều mới may mắn gặp khu chợ ven đường. Cũng không có phở Lào, nhưng lúc ấy thứ gì cũng là cao lương mỹ vị của mọi người. Ăn uống thỏa thuê, đoàn yên tâm tiến vào Savannakhet, thành phố lớn thứ hai sau Viên Chăn. Vậy mà cũng không có phở bán vào lúc ấy. Chứng tỏ phở bắt đầu lan tràn, có thương hiệu trên thế giới  từ khi ta phát triển du lịch. Vài ngày sau chúng tôi lên Viên Chăn và được Đoàn Thanh niên dân chủ Lào tiếp đón nồng hậu nhưng vẫn ấm ức vì chưa ăn món phở Lào.
Lần này ở Viên chăn có quán bán phở, nhưng ở biển hiệu của quán có viết chữ: "Phở Việt Nam, chính gốc Thìn Bờ Hồ".
Tôi đã ăn phở ở Lào. Nó có nguồn gốc từ nước Việt ta cho dù có được thêm vào bát phở vài muỗng đường như người Lào vẫn hay ăn. Họ và nhiều nước khác cũng gọi phở Việt Nam. Chỉ có chúng ta cứ quen mồm gọi Phở Lào, Phở Mỹ... hay phở X,Y,Z nào đó. Lâu dần có khi chính ta quên mất mà nói phở Lào ngon thật.
                                                                           
II. Phở Lào cuối năm 2009
Không phải buồn quá, quá buồn mà phải sang Lào… ăn phở.
Cũng có chút buồn, bâng khuâng của thời tiết cuối năm - thời tiết thất tình,nhưng cũng nhân chuyến công cán, vé và ăn ở do nhà nước trả nên được Lào cho ăn phở.
Hoá ra ngồi ở Viên Chăn mà lại cho ta nhớ về một xưa Hà Nội, một Hà Nội xưa điêu tàn vẻ đẹp nhưng vẫn roi rói trong ký ức tuổi thơ.
Nhớ đến một Tạ-Hiền-Phở có rạp Chuông Vàng. Nhớ Phở Phú Hưng gần rạp Booc-đô. Nhớ Phở Đồng Xuân nối với chợ Bắc Qua. Nhớ Phở Thẩm- Thanh Hoá. Rồi nhớ Nguyễn Tuân nấu phở bằng… chữ mà đọc là nhớ phở, da diết lắm, ân tình lắm. Lúc ấy đang đánh Mỹ, đang đói, lại viết về phở thì vừa có tội vừa không có tội. Hoà bình, thấy cụ Tuân tội ít, công nhiều vì nói cho cùng đói quá thì thèm ăn, không có ăn thì thèm viết cho đỡ cơn thèm.
Trong phở nấu-bằng-chữ của Nguyễn Tuân không có phở gà. Phở gà lại còn đập trứng trộn phở là sự đồi truỵ hết chỗ nói của ẩm thực phở.
Ngày xưa yêu được con bà hàng phở là cả một cuộc danh giá. Li hôn con bà hàng phở thì thôi rồi, đời ta xem như hai chấm… xuống ruộng. Tôi đã chứng kiến một chàng trai tên Hải bị con gái ông phở Cảnh đá đít, suýt nữa thì dẫn đến quyên sinh.
Chữ Phở là danh giá vì nó đặc trưng cho Hà Nội mình, cho bản sắc một dân tộc có cả nước lẫn cái, có cả đất liền và biển cả.
Lào không có biển mà vẫn có phở là cớ làm sao? Phở ngon như hoài niệm thiêng liêng về người Hà Nội. Cho ta một hoài niệm xứ sở sao nỡ quên nước Lào.
Một ngày ăn phở đến ba lần: sáng, trưa, tối là thử thách lòng kiên nhẫn hiếm có. Nhưng bảy ngày ăn phở Lào đủ thấy nó đáng phải lưu tâm thế nào.
Cũng là ăn cái con gặm cỏ và nhai lại nhưng ăn thịt bò Lào sao lại mềm thế, ngọt thế, thơm thế. Cái thứ thịt của hồng nhan, khêu gợi lắm, đằm thắm và thật thà.
Ăn phở ở Hà Nội đôi lúc gây nên một bức xúc “lớn lao”. Quất thay chanh, húng chó thay hành, tỏi và dấm liên quan gì đến phở. Ai cũng làm phở được, đó là sự vô lễ đối với truyền thống phở, đó là cuộc đùa dai buồn thê thảm trong lịch sử phở làm cho Tràng An phẫn nộ.
Tôi tin rằng những người Việt đã xuất khẩu phở Hà Nội sang Lào như một cuộc lánh nạn văn hoá. Tất nhiên chỉ trong phạm trù phở. Phở Lào, nhìn bao quát đang có vẻ vượt trội về chất lượng và sự tinh tế so với phở ta. Nhiều người chứng thực điều này chứ không phải cố tình khen bạn hơn khen mình. Thực ra, ta đang xuống cấp về phở.
Sao lại thiếu xá sùng trong nước phở. Lào có. Sao thiếu xương bò ống lưu cữu mấy ngày liền trong nước phở, ninh đi ninh lại vẫn còn ninh. Lào có. Sao không thái phở bản to, bánh mỏng. Lào có. Hành, cả thân lãn củ, tương ớt, chanh tươi, ớt tươi, gừng khô… không thiếu thứ gì. Đấy là phở của Lào.
Ăn một bát phở ở Viên Chăn, má hây hây, nóng hây hẩy, toát cả gió Lào.

Hai kilômét các chủ hàng đốt đuốc dọc sông Mê-kông bán đủ thứ món nhậu trên trời dưới biển, từ con cá rô phi to bằng hai bàn tay, đến con chim sẻ, chim chích chỉ nhỏ bằng ngón tay, sướng lắm, ngồi cả đêm không ai cấm. Ru dương một lũ Trương Chi với rượu, với chim, với cá và cuối cùng vẫn… phở.
Phở như nỗi ám ảnh về Hà Nội 36 phố phường. Giờ chắc đã 360 hay 3.600 phố phường, lại càng ám ảnh.
Bao giờ Phở lại xưa như Hà Nội cũ. Thanh xuân, hồi xuân được không, em?
Đi ăn phở Lào mất hơn hai triệu tiền vé hàng không nhưng không thể không khen. Khen không chỉ vì tình hữu nghị./.

You Might Also Like

0 nhận xét: